VDSC cho rằng đối với các dự án cao tốc về phía Tây Nam Bộ, các cụm mỏ đá ở gần khu vực sông Đồng Nai VLB, CTI, DHA và KSB có thể cung cấp đá cho các dự án này bằng đường thủy. Trong khi các cụm mỏ ở khu vực Tân Cang sẽ có lợi thế hơn khi Sân bay Long Thành được triển khai.
Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), nhu cầu đá xây dựng được dự báo sẽ tăng lên trong nửa cuối năm 2019. Yếu tố đầu tiên thúc đẩy tăng trưởng là nhu cầu xây dựng nhà ở khu vực Tây Nam Bộ tiếp tục được duy trì.
Cụ thể, VDSC cho biết nhu cầu đá xây dựng của miền Tây Nam Bộ phần lớn được đáp ứng từ các mỏ Đông Nam Bộ trong nhiều năm qua khi mà trong số 13 tỉnh thành khu vực ĐBSCL chỉ có duy nhất An Giang và Kiên Giang là có mỏ đá. Mặc dù trong hơn mười năm qua, số lượng nhà ở xây mới và số m2 sàn nhà được xây dựng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long luôn cao hơn so với khu vực Đông Nam Bộ, tỷ lệ hộ không có nhà ở tại khu vực này vẫn đang cao nhất cả nước. Mặc dù cả hai khu vực có cùng xuất phát điểm là 5,7 phần nghìn hộ gia đình không có nhà ở năm 2009, con số này đã giảm xuống chỉ còn 1,2 phần nghìn tại khu vực Đông Nam Bộ, trong khi có đến 4,2 phần nghìn hộ chưa có nhà ở tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cuối 2019.
Đối với các mỏ đá hiện nay của các doanh nghiệp niêm yết, các cụm mỏ gần sông Đồng Nai như Thạnh Phú, Thiện Tân, Tân Mỹ sẽ có lợi thế hơn để vận chuyển đường thủy từ khu vực Đông Nam Bộ về miền Tây. Trong đó, VLB và CTI chính là hai công ty sở hữu trữ lượng đá lớn nhất trong các cụm mỏ này.
Đầu tư công thúc đẩy nhu cầu đá gia tăng
Mặc dù nhu cầu vận tải liên kết hai vùng TPHCM và Tây Nam Bộ ở mức cao, tuy nhiên hiện nay mới chỉ có 40 km đường cao tốc (TPHCM – Trung Lương) được xây dựng ở trong tổng số 1.000 km đường cao tốc trên cả nước.
Hiểu rõ được sự cấp thiết của việc nâng cấp hạ tầng khu vực phía Nam, cuối năm 2019 Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao để khơi thông nguồn vốn cho đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.
VDSC cho rằng đối với các dự án cao tốc về phía Tây Nam Bộ, các cụm mỏ đá ở gần khu vực sông Đồng Nai VLB, CTI, DHA và KSB có thể cung cấp đá cho các dự án này bằng đường thủy. Trong khi các cụm mỏ ở khu vực Tân Cang sẽ có lợi thế hơn khi Sân bay Long Thành được triển khai. Ngoài ra cụm mỏ này cũng có thể cung cấp đá khi tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết được khởi công, mặc dù vị trí không được thuận lợi như cụm mỏ Soklu của VLB hay mỏ Xuân Hòa của CTI.
Bên cạnh yếu tố đầu tư công, sự tăng trưởng mạnh của các KCN phía Nam sẽ mang lại cơ hội cho các mỏ đá trên hai địa bàn tỉnh Đồng Nam và Bình Dương.
Theo ước lượng của VDSC, Tân Đông Hiệp và Núi Nhỏ chiếm khoảng 10% thị phần đá xây dựng khu vực Nam Bộ. Tuy nhiên, sau hai lần gia hạn thành công, hai mỏ đá này đã chính thức ngừng khai thác từ cuối năm 2019.
Hiện nay, các doanh nghiệp khai thác đá ở hai khu vực này như KSB, NNC và C32 chỉ còn lại một lượng đá tận thu trong quá trình cải tạo lại môi trường. Do vậy, nguồn cung từ hai mỏ đá này sẽ giảm trong 2020 và đặc biệt là trong 2021 và hoàn toàn không còn sau thời điểm này.
Đánh giá từ chất lượng đá đến vị trí, cụm mỏ Tân Cang ở Biên Hòa, Đồng Nai nổi lên như ứng cử viên chính thay thế hai cụm mỏ trên. Một số các doanh nghiệp niêm yết có sở hữu mỏ đá ở cụm mỏ này như VLB, DHA, CTI, DND và DGT. Trong số đó, VLB đang sở hữu diện tích được cấp phép khai thác lớn nhất cùng với thời hạn khai thác dài.
Nguồn : Nhịp sống kinh tế