Ngành đá xây dựng dự báo sẽ tăng trưởng khả quan năm 2019
Các dự án quy mô lớn tập trung ở khu vực Nam Bộ như Sân bay Long Thành (giai đoạn 1 đến 2025, quy mô vốn đầu tư 16 tỷ USD), các tuyến metro Hà Nội, các dự án cao tốc… đã, đang và sẽ được triển khai trong giai đoạn tới là cơ hội lớn với các doanh nghiệp khai thác đá có mỏ ở xung quanh khu vực các dự án này.
Theo MBS, nhu cầu đá xây dựng được dự báo tăng từ mức khoảng 140 triệu m3/năm giai đoạn 2016 – 2017 lên mức 181 triệu m3.
Trong ngành đá xây dựng, KSB và C32 được đánh giá là hai doanh nghiệp đang sở hữu mỏ đá có chất lượng tốt nhất (chủ yếu sử dụng cho bê tông mác cao cho các công trình) là Tân Đông Hiệp. Mỏ này có vị trí nằm gần khu vực trung tâm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, giúp tiết giảm đáng kể chi phí vận chuyển so với các khu vực khác. Tuy nhiên, thời hạn khai thác còn lại chỉ còn lại nửa năm, tức đến cuối năm 2019.
KSB có quy mô kinh doanh đá xây dựng lớn nhất trong các doanh nghiệp niêm yết, với 6 mỏ đá (3 mỏ tại Bình Dương, các mỏ tại Đồng Nai, Thanh Hóa, Nghệ An). Tổng công suất khai thác đá tại Bình Dương của KSB đạt tới 5 triệu m3/năm, các mỏ nằm ở vị trí thuận lợi, do vậy Biên lợi nhuận gộp của KSB ở mức rất cao so với ngành (khoảng 44%). Hoạt động kinh doanh đá được duy trì tích cực.
Tuy nhiên KSB hiện có một số khoản trên BCĐKT khá lớn so với quy mô của doanh nghiệp, liên quan tới ủy thác đầu tư (616 tỷ), các khoản đầu tư kinh doanh, và các khoản đặt cọc lớn cho mục đích mở rộng KCN Đất Cuốc.
DHA cũng là một doanh nghiệp cùng ngành khác khá tiềm năng. Công ty hiện đang sở hữu 3 mỏ đá là Núi Gió, Tân Cang 3, Thanh Phú 2, có trữ lượng khoảng 18 triệu m3, thời gian khai thác còn dài đến năm 2020 – 2025. Lợi suất cổ tức tiền mặt và hoạt động kinh doanh ổn định, DHA không có nợ vay, do vậy sức khỏe tài chính của DHA ở mức an toàn.
Hiện C32 đang sở hữu 9,2% vốn tại DHA và nhiều luồng thông tin trên thị trường, C32 rất muốn mua chi phối doanh nghiệp này. Ngoài ra, C32 cũng đang sở hữu gần 33,76% tại CTCP Miền Đông (MDG), với điểm mạnh của doanh nghiệp này là hiện đang sở hữu quyền khai thác mỏ đá Tân Mỹ có diện tích khoảng hơn 40 ha tại Bình Dương.
Tiêu thụ của C32 tương đối ổn định qua các năm. Tuy nhiên doanh nghiệp lại tham gia nhiều mảng hoạt động kinh doanh và các hoạt động đầu tư, do vậy triển vọng ở các mảng này hiện không rõ ràng. Mảng xây dựng của C32 thường có biên lợi nhuận khá thất thường, cũng là rủi ro tiềm tàng đối với doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp tiềm năng không thể không kể đến là Công ty Cổ phần Đá Núi Nhỏ. NNC là đơn vị có năng lực sản xuất tốt, đạt 2.000.000m3 đá/năm, với hai mỏ đá là Núi Nhỏ và Tân Lập với tổng trữ lượng hơn 20 triệu m3 đá nguyên khối.
So sánh với các đơn vị cùng ngành nghề trên địa bàn Đông Nam Bộ, NNC có lợi thế về vị trí với mỏ đá Núi nhỏ tại Bình Dương gần đường Quốc lộ, do vậy NNC có lợi thế về giá thành và giá bán so với các đơn vị trong khu vực. Thêm vào đó chi phí khai thác thấp nên công ty luôn duy trì được biên lợi nhuận gộp trên 45% trong nhiều năm.
Đô thị hóa và công nghiệp hóa là lực đẩy mạnh mẽ cho ngành xây dựng nói chung và ngành vật liệu đá xây dựng nói chung. Do vậy việc triển khai các dự án giao thông, cơ sở hạ tầng, và dòng vốn FDI sẽ mở ra cơ hội để các doanh nghiệp khai thác đá tăng trưởng mạnh doanh thu, lợi nhuận.